Hoán chuyển những rủi ro, thách thức từ bên ngoài thành cơ hội cho Việt Nam
Ngày nhập : 21/09/2023 13:58
Phát biểu đề dẫn tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhận định, Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi song đang đứng trước nhiều thách thức lớn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước, cuối năm khó khăn hơn so với đầu năm; đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp ứng phó linh hoạt để lội ngược dòng thành công.
 

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng

“Trong bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở 3 nhóm vấn đề then chốt; đề nghị các vị đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận bám sát chủ đề diễn đàn, đưa ra các giải pháp hợp lý, thực tế, khả thi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tìm ra những giải pháp mới, phấn đấu hoành thành cao nhất các mục tiêu năm bản lề 2023, tạo lập nền tảng thuận lợi, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thắng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, nhiều năm qua chúng ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kéo theo thách thức lớn về tỉ giá, đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động… Trong khi đó các vấn đề bất cập tích tụ trong nhiều năm như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán bộc lộ rõ hơn trong đại dịch COVID-19, đã ảnh hưởng và trực tiếp tác động lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro về hệ thống không nhỏ.

Vận dụng nguyên tắc dĩ bất biến, ứng vạn biến, Việt Nam đã thực hiện các chính sách vừa tập trung chống dịch, thích ứng với các sức ép từ bên ngoài, tháo gỡ các điểm gỡ ở bên trong, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, củng cố niềm tin của Nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, nhưng chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, trở ngại không thể kịp khắc phục trong một sớm một chiều.

Để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các quý vị, các nhà khoa học thảo luận, tìm ra những giải pháp thực tiễn, khả thi, đột phá nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế: (1) Đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước; (2) Khôi phục dòng vốn đầu tư; (3) Tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhấn mạnh Diễn đàn không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt, mà giải quyết những vấn đề trước mắt để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Vấn đề quan trọng mà Diễn đàn nêu ra, nâng cao năng suất lao động là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, bởi điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế, bao gồm: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực. Tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành và từng vùng kinh tế.

Nhìn lại những nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được và cả những điều chưa làm được trong năm 2023 và qua nửa nhiệm kỳ 2021-2025, ông Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu cần tiếp tục kế thừa ba bài học kinh nghiệm sâu sắc đã đúc kết được:

Thứ nhất, bài học về hoán chuyển những rủi ro, thách thức từ bên ngoài trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tạo ra sự phân mảng, đứt gãy của nền kinh tế thế giới, sự dịch chuyển, phân tách của các chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò tâm điểm kết nối, thu hút các dòng vốn đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu.

Thứ hai, bài học về vượt khó và càng trong khó khăn, càng cần phải chú ý đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, tích cực hỗ trợ những người lao động, người nghèo trước nguy cơ bị mất việc làm, thu nhập giảm sút và giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu gia tăng. Đây cũng là dịp để phát huy vai trò của hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội, những mô hình độc đáo, nhân văn như tín dụng chính sách xã hội trong việc mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người dân có thu nhập thấp, thúc đẩy bình đẳng giới, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ phương châm: phát triển vì con người, đặt người dân ở trung tâm của quá trình phát triển, ổn định để phát triển và phát triển để đảm bảo tăng trưởng bền vững, mà Việt Nam đã kiên định tiến hành qua gần 40 năm đổi mới.

Thứ ba, bài học trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách trên nguyên tắc: phải bám sát chương trình, kế hoạch hành động; chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề ra những giải pháp khả thi, bám sát thực tiễn gắn với cụ thể hoá, cá thể hóa trách nhiệm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với uỷ quyền, trao quyền và giao quyền cụ thể; đổi mới tư duy và phương thức phân bổ nguồn lực…

Với tinh thần khoa học và trách nhiệm, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nhân tham gia Diễn đàn hôm nay tập trung trao đổi, thảo luận để xác định những biện pháp mới, có tính đột phá đưa kinh tế-xã hội Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ, tận dụng được các xu hướng lớn để hoán chuyển các nguồn lực tiềm năng thành các động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ngay sau phần phát biểu đề dẫn của ông Nguyễn Xuân Thắng, Diễn đàn tiếp tục Chuyên đề 1 với chủ đề: Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh