Vun đắp tương lai cho trẻ khuyết tật
Ngày nhập : 23/08/2022 14:18
Trải qua hơn 8 năm hoạt động, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn luôn nỗ lực từng ngày trong công tác dạy học và dạy nghề cho hàng trăm học sinh khuyết tật, mong muốn mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng cho các em nhỏ kém may mắn.
(Ảnh: Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn tặng quà cho các học sinh khuyết tật
có hoàn cảnh khó khăn)
Thầy trò cùng nhau vượt khó
Năm học 2022-2023, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (gọi tắt là Trung tâm Võ Hồng Sơn) tuyển sinh thêm 26 em, nâng tổng số học sinh năm học này lên 134 em, chia làm 11 lớp học văn hóa; trong đó 2 lớp cấp 2, và 9 lớp cấp 1. Về dạy nghề, có 22 em được chia làm 3 lớp - gồm lớp thêu, lớp may cơ bản và lớp may thực hành. Đến nay, Trung tâm Võ Hồng Sơn đã duy trì việc dạy và học cho trẻ khuyết tật trong suốt 8 năm, dù trải qua những thời điểm cực kỳ khó khăn do dịch Covid-19, chưa kể hàng năm phải duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất do thiên tai khắc nghiệt.
“Là trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập đầu tiên được thành lập tại tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi phải tự thân vận động để gồng gánh, duy trì mọi hoạt động của trung tâm. Tập thể giáo viên, nhân viên trung tâm cũng hết sức đồng cảm, chia sẻ, động viên nhau sát cánh cùng trung tâm vượt khó để hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phụ trách Tổ chức hành chính Trung tâm Võ Hồng Sơn, trải lòng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Võ Hồng Sơn, xúc động bày tỏ: “Niềm động viên lớn của chúng tôi suốt 8 năm qua chính là tình thương mến của các em học sinh. Các em rất tình cảm và có ý thức, tuy không nói được bằng lời nhưng thường hay tâm sự với tôi qua nhiều tin nhắn cảm động như: Mẹ Hà ơi! Mẹ ăn sáng chưa? Các con là Linh, Thư, Mai, Vy, Như; Ninh, Đông, Khoa, Thông, Duy nghe lời mẹ và các thầy cô nên tụi con sẽ ngủ sớm, không đi ra ngoài chơi, nói chuyện vào ban đêm…Con mong mẹ sống lâu trăm tuổi”.
Những tình cảm chân thật và hoàn cảnh khó khăn của các em chính là động lực để thầy cô giáo kiên trì ở lại trung tâm chăm sóc các em. Những lúc học trò ốm đau, thầy cô phải đưa vào bệnh viện và thay nhau chăm sóc; người bình thường học một thì các cháu khuyết tật phải học đến mười. Vì thế, các thầy cô luôn phải chịu khó, nhẫn nại với các em bằng tình yêu thương vô bờ.
Những tín hiệu vui
Năm học mới, trung tâm đã tiếp nhận hơn 3 tỷ đồng từ nhiều nguồn ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân. Trung tâm cũng chính thức đưa vào sử dụng phòng máy vi tính sau thời gian thử nghiệm, để các em bắt đầu tiếp cận máy tính và học phần mềm thêu vi tính, tin học văn phòng. Cô giáo Lê Thị Bé Chị cho hay: “Phòng có 16 máy tính dạy tin học cơ bản. Em nào có khiếu mỹ thuật thì học thiết kế mẫu mã, thêu vi tính, thêu lắc tay hay may mặc, hội họa. Các em đã sản xuất được các sản phẩm như bóp, viết, túi xách, áo thun, quần áo, móc khóa…”.
Học viên Võ Hoàng Vũ phấn khởi: “Em học thiết kế hình in trên túi xách, hộp bút… và rất vui vì đã tự tay làm được những sản phẩm có giá trị”. Đặc biệt, những em có tay nghề giỏi được trung tâm trả lương theo sản phẩm, có em nhận mức thu nhập 1,2-2 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: “Ước muốn lớn nhất của thầy cô giáo ở đây là các em khiếm thính được giao tiếp tốt hơn bằng ngôn ngữ ký hiệu. Các em chậm phát triển từng bước được tiếp xúc, làm quen với môi trường sống xung quanh, cải thiện khả năng giao tiếp, vừa học chữ, vừa học nghề để sau này tự thân mưu sinh và có thể quay về trung tâm để giúp những em khuyết tật nhỏ hơn mình bằng sự thông hiểu và tình yêu thương”.
Mới đây, Trung tâm Võ Hồng Sơn đã được Sở LĐTB-XH TPHCM cấp phép hoạt động cơ sở 2 tại xã Trung An (huyện Củ Chi, TPHCM) để tiếp nhận, quản lý chăm sóc người khuyết tật được chuyển từ cơ sở chính ở Quảng Ngãi vào TPHCM học nghề và văn hóa nâng cao. Hiện cơ sở 2 đang được xây dựng, dự kiến khánh thành và đi vào hoạt động vào tháng 9-2022.