Hồ Chí Minh - Con đường phía trước": Những thước phim công phu giải mã “khoảng trắng” lịch sử
Ngày nhập : 24/06/2024 11:30
PNO - "Có những câu chuyện lịch sử đến nay vẫn là ẩn số, với những bản nghiên cứu bí mật. Những tư liệu ấy chắc hẳn đã được ghi chép lại và cất giữ ở nơi nào đó. Đó là những khoảng trắng cần được làm rõ để hoàn thiện câu chuyện về một con người vĩ đại”.
Bộ phim tài liệu 2 tập - Hồ Chí Minh - Con đường phía trước (biên kịch và đạo diễn Quang Thịnh, TFS sản xuất với sự đồng hành của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương - SAIGONBANK) khơi gợi tò mò của người xem bằng lời đề dẫn như vậy.
Khoảng trắng được nhắc đến là những giả thuyết về việc làm thế nào, bằng cách nào Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi sự theo dõi của mật thám Pháp để bí mật đến Liên Xô tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V; là quãng thời gian lần đầu Người đặt chân đến Petrograd, Người đã làm gì, ở đâu cho đến giữa tháng 4/1925 - thời điểm sang Mát-xcơ-va dự đại hội.
Phim giải mã những khoảng trắng lịch sử trong cuộc đời cách mạng của Bác
Qua các tài liệu, nhân chứng, bối cảnh và các nhân vật được phỏng vấn cùng phương pháp sử dụng hình ảnh tái hiện, hành trình của Bác đến Nga hiện ra như một cuốn phim hành động hấp dẫn. Theo đó, để thoát khỏi tai mắt mật thám Pháp, Bác giữ lịch sinh hoạt đều đặn, khiến bọn chúng tin buổi tối Bác luôn về nhà nghỉ ngơi. Bác cũng viết sẵn nhiều bài báo để lại trước khi đi, nhằm tránh gián đoạn tần suất bài vở trên tờ Người Cùng Khổ. Đến ngày lên đường, Bác mua vé xem phim rồi đột ngột rời khỏi rạp giữa buổi chiếu để gặp một đồng chí nhận vali, giấy tờ và vé xe lửa đến Đức.
Từ Pháp sang Đức rồi sang Nga, trên giấy tờ Bác là thợ ảnh tên Chen Vang. Người được Đảng Cộng sản Pháp cử sang Nga dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ năm với tư cách đại diện cho các nước thuộc địa. Vậy, Pháp có thông tin cho Nga về việc này không hay Nga có xác minh lại với Pháp về người thợ ảnh tên Chen Vang không, đến nay vẫn còn là câu hỏi đoàn phim tìm kiếm.
Từ quá khứ ở tập 1 - Khoảng trắng lịch sử, hành trình theo dấu chân Người được dẫn dắt đến hiện tại ở tập 2 - Từ Liên Xô đến hành trình 100 năm. Thông qua những câu chuyện được kể từ xứ bạch dương, dấu ấn, tình cảm của Bác dành cho đất nước càng được làm rõ. “Còn hụt hẫng nào hơn, còn nỗi đau nào hơn khi khát khao một lần gặp Lênin mãi mãi không thể thành hiện thực”. Lời bình vang lên khiến người xem xúc động trước nỗi lòng của Người khi mong ước sang Nga gặp lãnh tụ Lênin không thành.
Hình ảnh bản gốc của tờ báo xuất bản cách đây tròn 100 năm có đăng bài Bác viết chia tay vị lãnh tụ phong trào Quốc tế cộng sản là điểm nhấn đắt giá của tập phim.
2 nhân vật được phỏng vấn là phó giáo sư, tiến sĩ Hà Minh Hồng (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) và giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo (nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã góp phần giải mã về khoảng thời gian Bác ở Nga. Các khách mời trong và ngoài nước sinh sống, làm việc tại xứ bạch dương thì cho người xem hiểu thêm về tình cảm sâu đậm của người dân Nga với Bác.
Phim khép lại với hình ảnh tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới dựng ở Saint Petersburg nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ lần đầu đến Nga (1923-2023). Giữa quảng trường rộng 4.000m2 lộng gió, nơi giao nhau giữa con phố mang tên Hồ Chí Minh và đại lộ Khai sáng, Bác ngồi đó, tay cầm cuốn sách, ánh mắt ngước nhìn về phía trước. Hành trình đến Nga của Bác đã lùi xa tận trăm năm nhưng giá trị của chuyến đi vẫn trường tồn như tượng đài vững chãi kia.
(Nguồn: www.phunuonline.com.vn)
Trích dẫn bài viết liên quan Phim tài liệu Hồ Chí Minh - Con đường phía trước: