Chung tay nỗ lực cao nhất đẩy vốn ra nền kinh tế
Ngày nhập : 01/12/2023 10:17
Chiều 30/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023.
Điều hành tín dụng trước nhiều áp lực bủa vây
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện gửi Thống đốc NHNN Việt Nam về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng TCTD, NHTM đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi. Từ đó, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các TCTD, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm. Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 1/12/2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, “tín dụng phải là một dòng chảy liên tục”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và yêu cầu NHNN báo cáo, đánh giá cụ thể tình hình, làm rõ những vướng mắc và giải pháp trong điều hành tín dụng. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, NHTM góp ý cụ thể, đề xuất các biện pháp phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới theo mục tiêu đề ra cho thời gian còn lại của năm 2023 và năm 2024.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, chưa bao giờ điều hành tín dụng lại khó khăn như thời gian qua trước nhiều áp lực bủa vây. Về phía ngành Ngân hàng đang phải giải quyết các vấn đề tồn đọng như vụ việc tại SCB, 3 ngân hàng 0 đồng vẫn đang tiếp tục xử lý. Năm 2023 thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… Chính vì vậy, tất cả đổ dồn lên thị trường tiền tệ, tín dụng. Trước thực tế này, NHNN cũng mong muốn gánh vác khó khăn của nền kinh tế thông qua việc làm tối đa trách nhiệm. Điều này minh chứng trong thời gian qua, ngành Ngân hàng triển khai rất nghiêm túc các Nghị quyết, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng: TPBank, Sacombank, Techcombank, VPBank, MB… cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay 14,5%, cao hơn trước. Trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù NHNN điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu, các NHTM đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng,… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.
Tính đến ngày 23/11, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái. Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, khoảng 6,2%, tương đương khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại cuộc họp
Rút kinh nghiệm năm ngoái, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngay từ đầu năm nay, NHNN phân bổ tăng trưởng tín dụng và đến tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống với tổng mức tăng trưởng 14,5%. Nhưng năm nay khác năm trước mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Nắm bắt thực tế trên, NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh ngay điều chuyển từ ngân hàng không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các ngân hàng đang thiếu “room” tín dụng và không làm thay đổi tổng mức tín dụng 14,5%.
Hiện các ngân hàng không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, tất cả phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là “bài toán khó”.
Cần giải pháp đồng bộ từ nhiều bên
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, NHNN đã rất chủ động, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, nên đưa ra room tín dụng rất thận trọng. Hiện nền kinh tế đang rất khó khăn, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bản thân ngân hàng cũng muốn tìm doanh nghiệp tốt, nhưng không thể cho vay vì không đủ điều kiện. NHNN cũng đã tổ chức 9 cuộc kết nối ngân hàng doanh nghiệp theo từng khu vực, phần lớn những doanh nghiệp không tiếp cận được là do không đủ điều kiện,và cũng tuỳ vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng.
Toàn cảnh cuộc họp
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Hùng chỉ ra hơn 70% là vướng mắc pháp lý. Chính vì vậy, nếu xử lý được vấn đề này thì dòng vốn sẽ thông. “Không thể nào một mình ngành Ngân hàng tháo gỡ được các vấn đề được đặt ra. Mong muốn các bộ ngành có sự chuyển động, đồng bộ với ngành Ngân hàng trong thời gian tới để có thể thúc đẩy vốn vào nền kinh tế”, ông Hùng cho biết.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tín dụng nói riêng để bơm vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, tăng trưởng tín dụng không đạt được như mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 14,5% (tính đến 23/11, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,38%, dư địa còn trên 6%).
Cho rằng vấn đề này là do nhiều nguyên nhân, trong khuôn khổ một cuộc họp chưa thể tổng kết hết được, do đó Phó Thủ tướng đề nghị trong dịp cuối năm, NHNN cần phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết, đầy đủ tất cả các khía cạnh trong điều hành tín dụng, khả năng hấp thụ vốn, rà soát tất cả các vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ kịp thời nhằm điều hành tốt hơn trong năm tới.
“NHNN cần phải bám sát tình hình thực tế của nền kinh tế và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, rà soát, “xem lại” các quy định để điều chỉnh, nhằm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt hơn nữa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng cũng đề nghị, NHNN bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực hơn nữa tìm thêm các giải pháp điều hành, cấp tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn hệ thống.
Đồng tình với nhận định “không thể vỗ tay bằng một bàn tay” của đại diện một NHTM nêu trong cuộc họp, nhưng Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, nếu 2 bàn tay mà không vỗ trúng vào nhau thì cũng không thể thành tiếng. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị NHNN và các ngân hàng cần phải chủ động hơn nữa, sẵn sàng hơn nữa để giải ngân vốn kịp thời khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ vào các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các vấn đề liên quan đến kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công,… cùng với NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu vừa bảo đảm bơm vốn cho nền kinh tế vừa giữ an toàn hệ thống tín dụng, tạo đà cho sự phát triển tốt hơn trong năm 2024.
(Nguồn: THỜI BÁO NGÂN HÀNG)