Cập nhật, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật từ ngày 10/3/2018 đến ngày 23/3/2018
Ngày nhập : 23/03/2018 10:32
I. Thông tư 16/2018/TT-BTC của Bộ Tài Chính hướng dẫn về chế độ tài chính của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Giới hạn mức chi môi giới cho thuê mỗi tài sản của TCTD. Theo đó, đối với khoản chi môi giới cho thuê mỗi tài sản, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chi tối đa 5% tổng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê tài sản đó do môi giới mang lại trong năm.

Như vậy, so với quy định hiện hành thì mức chi môi giới để cho thuê tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được giới hạn cụ thể đối với mỗi tài sản, không còn áp dụng trên tổng số tài sản cho thuê.

Cũng theo quy định này, đối với khoản chi hoa hồng môi giới bán mỗi tài sản thế chấp, cầm cố, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chi tối đa 1% giá trị thực tế thu được từ tiền bán tài sản đó qua môi giới.

Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành quy chế chi hoa hồng môi giới để áp dụng thống nhất và công khai.

Thông tư 16/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 26/3/2018 và thay thế Thông tư 05/2013/TT-BTC ngày 09/01/2013.

II. Công văn 559/TCT-KK của Tổng cục Thuế (TCT) về hạn nộp Hồ sơ khai thuế

Nếu xảy ra lỗi do Cổng thông tin điện tử (CTTĐT) gặp sự cố trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ thì TCT có trách nhiệm thông báo trên Trang thông tin điện tử và Cổng TTĐT cho người nộp thuế biết.

Người nộp hồ sơ khai thuế trong ngày tiếp theo sau khi cổng TTĐT hoạt động thì không bị xử phạt VPHC và được miễn tiền chậm nộp cho khoản nộp có thời hạn nằm trong khoảng thời gian hệ thống có sự cố theo thông báo của TCT.

Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý sự cố trong quá trình chậm nộp HSKT do lỗi của Cổng thông tin điện tử  trong ngày cuối cùng thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tại Điều 9 Thông tư 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015.

Công văn 559/TCT-KK được ban hành ngày 12/02/2018.

III. Nghị định 41/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập

Đây là nội dung mới nổi bật về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.

Theo đó, cá nhân có hành vi ký chứng từ kế toán bằng mực đỏ, mực phai màu  sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng.

Mức phạt nêu trên cũng áp dụng đối với các hành vi vi phạm sau:

- Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định;- Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán;

- Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn;

- Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên.

IV. Nghị định 42/2018/NĐ-CP của Chính phủ bãi bỏ một số Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng

Theo đó, Nghị định 42 đã bãi bỏ hiệu lực của Nghị định 59/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Thương mại;

Bên cạnh đó, nhiều Nghị định khác thuộc lĩnh vực ngân hàng cũng bị bãi bỏ như:

- Nghị định 48/2001/NĐ-CP và Nghị định 69/2005/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 48/2001/NĐ-CP về việc tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân;

- Nghị định 22/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam;

- Nghị định 05/2010/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng;

- Nghị định 14-CP ngày 02/3/1993 Quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông-lâm-ngư-diêm nghiệp và kinh tế nông thôn.

Nghị định 42/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh