Cập nhật, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật từ ngày 31/3/2018 đến ngày 20/4/2018
Ngày nhập : 23/04/2018 08:46
I. Quyết định 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Theo đó, điều kiện xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn là khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, như:

- Triển khai các dự án, phương án phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng,…

- Triển khai các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

- Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ.

Và mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan được xác định theo công thức: MCTCTĐ = DN + CC + ĐN

Trong đó:

- MCTCTĐ là mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn;

- DN là tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo;

- CC là tổng số tiền còn được cấp theo hợp đồng tín dụng đã ký;

- ĐN là số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.

Quyết định 13/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.

II. Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác

Theo đó, để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội do hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật.

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Xem chi tiết tại Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 11/4/2018.

III. Chỉ thị 02/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 11/4/2018

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền... liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng.

Chỉ đạo này nhằm tránh phát sinh những rủi ro có thể xảy ra về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế.

Ngoài ra, Chỉ thị 02 yêu cầu siết chặt các giao dịch liên quan tiền ảo, cụ thể:

- Các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời, có biện pháp xử lý đảm bảo QĐ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối.

- NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát, xử lý các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo.

- Có kế hoạch về việc thanh tra về rủi ro tiền ảo đối với các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trường hợp xét thấy cần thiết, có nguy cơ rủi ro hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật...

Xem thêm tại Chỉ thị 02/CT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/4/2018.
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh