Thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ khởi sắc
Ngày nhập : 04/05/2023 16:23
Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực rất lớn trong việc tháo gỡ các nút thắt khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam kỳ vọng sẽ sáng hơn trong thời gian tới và thị trường chứng khoán thường sẽ tăng điểm đón đầu chu kỳ hồi phục của nền kinh tế. Theo các chuyên gia, với cơ hội tăng trưởng kinh tế vĩ mô, kết hợp với việc định giá thị trường hấp dẫn, chứng khoán Việt Nam đang tạo ra thời điểm tốt để đầu tư trung, dài hạn.
Động lực tăng trưởng đến từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mặc dù vẫn đang trong giai đoạn giằng co, tích lũy khiến xu hướng tăng trưởng chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thị trường đang được kỳ vọng lớn nhờ các nỗ lực từ chính sách và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tạo động lực cho kinh tế hồi phục mạnh mẽ hơn từ nay tới cuối năm.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam được dẫn dắt chính bởi các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và thị trường tài chính. Đặc biệt hơn, thị trường tích cực đón nhận 2 lần hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặc dù với mức giảm không quá lớn nhưng lại cho thấy một thông điệp mạnh mẽ về việc giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, thị trường còn đón nhận những thông tin liên quan đến Nghị định 08/2023/NĐ-CP và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11 Điều 14 Thông tư 16/2021/TT-NHNN liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết 33/NĐ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đồng thời Chính phủ cũng đưa ra kế hoạch xây dựng hơn 1 triệu nhà ở xã hội. “Đây là những bước đi cực kỳ linh hoạt từ Chính phủ khi số liệu vĩ mô đưa ra trong quý I cho thấy thách thức còn ở phía trước” - chuyên gia của SSI Research cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng 10% (còn 8%).
Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Điều này sẽ góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các mục tiêu đề ra của năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital: “Chúng tôi tin rằng, các nhà hoạch định chính sách có thể khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023. TTCK thường tăng điểm trước khi kinh tế phục hồi”.
Cơ hội có thể rõ nét hơn trong giai đoạn tới
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng, diễn biến tình hình trên TTCK Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới. Theo đó, trên thế giới, mặc dù xu hướng tăng lãi suất có dấu hiệu chậm lại, tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn dự báo còn nhiều thách thức, khó lường. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô quý I mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng đã cho thấy sự giảm tốc; đồng thời, sức khỏe doanh nghiệp niêm yết cũng chịu nhiều tác động sau thời kỳ hậu Covid-19 để lại. Tuy nhiên, theo đại điện Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nếu xét trong tương quan với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
“Chúng tôi kỳ vọng, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất cho vay… sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Hơn nữa, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở mức 11 lần và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Tất cả những yếu tố trên cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn” - ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ.
Đánh giá về TTCK giai đoạn này, chuyên gia của SSI Research cho rằng, dù không quá lạc quan, nhưng thị trường cũng không quá tiêu cực. Tuy nhiên, thách thức với thị trường trong ngắn hạn lại tiếp tục hình thành cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn.
“Trong quá khứ nếu chúng ta lấy mốc đỉnh lãi suất của Việt Nam ở giai đoạn 2011 và đỉnh lãi suất của Mỹ giai đoạn 2007 để tham chiếu, thì đáy của TTCK vẫn sẽ có một độ trễ nhất định. Độ trễ này xuất hiện là bởi thị trường cần chờ xem những động thái hỗ trợ và mặt bằng lãi suất đã đủ để đưa nền kinh tế, doanh nghiệp hấp thụ được và quay lại với đà tăng trưởng chưa. Các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn tiếp theo cho nền kinh tế của Chính phủ vẫn sẽ là động lực giúp TTCK diễn biến tích cực hơn kỳ vọng” - chuyên gia của SSI Research phân tích.
(Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam)